CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ IN TRÍ TUỆ
154 Nguyễn Văn Hưởng, Q.2, TP. HCM
Hotline: 0982333332 - 0989.355.444
tritue.hoadon@gmail.com .
  • Banner 01
  • Banner 02
  • Banner 03

    'Bạo hành trẻ em tăng, đạo đức xã hội đang có vấn đề'

    Thứ ba, 01/06/2010, 10:20

    Lượt xem : 2904


    Bà Trương Thị Mai: "Đạo đức xã hội đang có vấn đề". Ảnh: TTXVN.

    "Nhiều vụ bạo hành được phát hiện không phải từ cơ quan quản lý nhà nước mà xuất phát từ người dân. Vậy cơ quan quản lý nhà nước đứng ở đâu?", Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai trao đổi với VnExpress.net nhân ngày Quốc tế thiếu nhi.
    > 4 người bị đề nghị truy tố trong vụ hành hạ Hào Anh

    - Gần đây báo chí đưa nhiều vụ bạo hành trẻ em, gần đây nhất là vụ của Hào Anh bị chủ trang trại nuôi tôm hành hạ dã man. Là Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?

    - Vài năm trở lại đây phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa những vụ bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc rất lớn trong xã hội. Trong quá trình làm Luật phòng chống bạo lực gia đình, mặc dầu chúng tôi chưa bao giờ có con số thống kê chính xác, nhưng những số liệu đưa ra đã cho thấy nạn bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực trẻ em rất đáng báo động.

    Tình trạng trên cho thấy đạo đức xã hội đang có vấn đề. Và nó cũng cho thấy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong xã hội còn nhiều. Vì nghèo, người ta tập trung lo toan cho cuộc sống là chính, việc lo cho con em khó được tới nơi tới chốn.

    - Từ vụ Hào Anh, hay trước đó là em Bình bị chủ quán phở ở Hà Nội đánh đập, bà đánh giá thế nào về trách nhiệm của các bên liên quan?

    - Tôi thấy trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình. Gia đình là nơi sinh các cháu ra, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng. Tất nhiên vẫn có những gia đình quá nghèo phải cho con đi làm ăn xa. Nhưng dù nghèo khó đến đâu, có cho con đi làm ăn xa, hoặc phải lao động lúc cháu còn bé thì vẫn phải tiếp tục theo dõi cuộc sống của các cháu.

    Trách nhiệm còn lại không kém phần quan trọng, đó là chính quyền địa phương. Nếu còn tình trạng bạo hành thì trong từng trường hợp cụ thể, chính quyền địa phương phải phân tích, xem xét tại sao lại có và đề ra biện pháp. Không ai hơn chính quyền địa phương hiểu biết về người dân của mình và có cách giúp đỡ cụ thể.

    - Bà nghĩ thế nào trước ý kiến sau khi giải thể Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em, ở mỗi phường xã không còn có cộng tác viên về lĩnh vực này dẫn đến thiếu sự sâu sát, không phát hiện kịp thời những vụ bạo hành?

    - Cách đánh giá như thế rất phiến diện. Vì ngay tại địa bàn dân cư, nếu có cán bộ dân số gia đình và trẻ em thì cũng không thể làm tất cả mọi việc. Tại phường xã, chính quyền giữ vai trò quan trọng. Hơn nữa địa bàn dân cư thì đã có nhiều tổ chức chính trị xã hội, như tổ dân phố, người cao tuổi, hội cựu chiến binh... Ta có đầy đủ cơ quan tổ chức, vấn đề là có quan tâm đầy đủ đến các cháu hay không.

    Ở trung ương, nếu không có Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em thì đã có Cục Bảo vệ trẻ em trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án và tổ chức đào tạo nhân viên xã hội. Họ sẽ trực tiếp làm việc này. Nhưng tôi cũng xin nói là từng người không thể giải quyết tất cả vấn đề mà phải nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và chính quyền địa phương.

    Vụ án Hào Anh gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: Tiến Thùy.

    - Vậy bà nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của các hội bảo vệ quyền lợi trẻ em?

    - Nên xem lại vai trò quản lý nhà nước, có khi vụ việc xảy ra và được phát hiện không phải từ cơ quan quản lý nhà nước hay một tổ chức cho trẻ em, mà xuất phát từ người dân. Vậy cơ quan quản lý nhà nước đứng ở đâu? Nếu chỉ người dân phản ánh mà cơ quan pháp luật nhà nước chưa phát hiện ra trường hợp nào thì đó là vấn đề.

    Tôi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải thực thi trách nhiệm của mình mạnh mẽ hơn và cũng phải giám sát việc thực thi pháp luật đối với trẻ em. Hiện nay việc giám sát thực thi pháp luật với trẻ em chúng ta làm còn hạn chế.

    Khi tới Hội bảo vệ quyền trẻ em, tôi nói Hội phải tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, nơi nào pháp luật cho trẻ em chưa được thực thi tôi xin đề nghị Hội phải lên tiếng mạnh mẽ. Tôi sẽ góp phần cùng Hội kết nối các cơ quan thông tin đại chúng để lên tiếng mạnh mẽ hơn, để bảo vệ trẻ em. Có sự kết nối mạnh mẽ như vậy thì trẻ em chúng ta mới được thực hiện đầy đủ quyền của mình.

    - Hiện nay, mức xử phạt đối với những trường hợp bạo hành trẻ em còn bị đánh giá là thấp, chưa đủ sức răn đe. Bà thấy vấn đề này thế nào?

    - Tôi cho rằng xử phạt của chúng ta trong nhiều trường hợp, không riêng vấn đề bạo lực trẻ em, chưa đủ sức răn đe, nhưng đó là một góc độ. Xã hội chúng ta nên tăng cường chính sách phòng ngừa một cách tốt hơn, chứ để sự việc xảy ra rồi đòi hỏi phải có chế tài nghiêm khắc thì chỉ là một khía cạnh thôi. Hiện nay trong nhiều trường hợp tính phòng ngừa yếu hơn là sự răn đe.

    Trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, Quốc hội hay Chính phủ luôn dành sự ưu tiên, quan tâm nhiều nhất. Nhưng cái sự kết nối tôi thấy chưa mạnh mẽ, vì vậy nơi này nơi kia vẫn diễn ra những vụ việc như ta thấy. Khi đạo đức đang có vấn đề, khi luật pháp chưa đủ để răn đe, và còn nhiều gia đình khó khăn như thế này thì tôi thấy cần sự kết nối tốt hơn giữa nhà nước với gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu mạnh ai lấy làm thì tôi e các cháu không được bảo vệ một cách toàn diện.

    - Từ thực tế bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng, Quốc hội có đặt chuyên đề giám sát về việc thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em?

    - Không phải là giám sát chuyên đề, nhưng mỗi năm Ủy ban Các vấn đề xã hội vẫn nghe cơ quan hữu quan báo cáo tình trạng bạo lực gia đình và những vấn đề liên quan đến gia đình. Xuống địa phương chúng tôi vẫn yêu cầu báo cáo việc thành lập các câu lạc bộ, hoặc các đường dây, nơi tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực gia đình. Chúng tôi cũng cổ vũ việc làm của Đà Nẵng, Bí thư thành ủy trực tiếp nói chuyện với các ông chồng có hành vi bạo lực gia đình.

    Về mức độ giám sát, tôi đánh giá là bình thường, chưa phải mạnh mẽ lắm, nhưng tôi nghĩ việc này phải làm thường xuyên, phải kiên trì.

    - Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, bà muốn nhắn nhủ gì tới các cháu, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị bạo hành?

    - Đối với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, như trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, HIV/AIDS, trẻ phải làm việc xa gia đình, tôi muốn kêu gọi từ phía nhà nước và xã hội dành sự quan tâm nhiều hơn cho các cháu, đặc biệt là chính quyền địa phương, để các cháu được bảo vệ tốt hơn. Vì hoàn cảnh thì chúng ta phải chấp nhận còn những nhóm trẻ em như thế, nhưng chính quyền, mà trực tiếp là xã phường quan tâm thì khả năng bảo vệ các cháu sẽ tốt hơn.

    Tôi cũng kêu gọi các gia đình dành sự quan tâm nhiều hơn cho các cháu. Nếu vì khó khăn của gia đình, các cháu phải xa gia đình đi kiếm sống thì cần thường xuyên liên lạc, quan tâm nhất định đến con em mình. Không thể vì nghèo mà thiếu quan tâm.

    Đối với các cháu, tôi muốn các cháu vươn lên trong cuộc sống, nếu gặp vấn đề gì trong cuộc sống thì mong các cháu liên lạc qua đường dây nóng bảo vệ trẻ em để các tổ chức có thể giúp đỡ. Nếu các cháu không nêu ý kiến, không thông tin, mà im lặng thì rất khó.

    Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng đã bày tỏ bức xúc về tình trạng bạo hành trẻ em.

    Bà Mình cho rằng nhiều vấn đề rất bức xúc đang đặt ra đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian vừa qua, trong đó có nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là vấn đề bạo hành, đánh đập trẻ em dã man như trường hợp của em Hào Anh ở Cà Mau, em Bình ở Hà Nội và không ít các trường hợp khác do báo chí đã nêu. Có trường hợp đánh và tra tấn trẻ em đến chết mà đến cả mẹ đẻ cũng không bảo vệ được con như trong trường hợp thiệt mạng của em Nguyễn Phương Linh, 6 tuổi, con đẻ của bà Nguyễn Thị Ánh Dương do hành vi tàn độc của bố dượng trú tại khu Quán Nam, quận Lê Chân, Hải Phòng. Đặc biệt có trường hợp đốt xác bẻ tay của hai em nhỏ tiểu học tại Đăk Lăk...

    Đó là chưa tính đến tình trạng trẻ em bị chết do các nguyên nhân như đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông... "Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục cũng đang có chiều hướng gia tăng trong đó có những trường hợp trẻ em bị chính bố đẻ của mình xâm hại tình dục, nhưng chưa được phát hiện kịp thời trong suốt mấy năm qua đã gây rất bất bình trong dư luận của xã hội. Chúng ta không khỏi đau lòng khi đối mặt với thực trạng xót xa này", bà Minh nói.

    Hồng Khánh thực hiện