Đại biểu QH lên tiếng việc dời trung tâmThứ tư, 02/06/2010, 07:00 Lượt xem : 2037 Hôm nay Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về đồ án quy hoạch thủ đô đến năm 2030. VnExpress.net ghi nhận ý kiến đại biểu về ý tưởng xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, điểm nhấn quan trọng trong đồ án. Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Không nên dồn về một chỗ"
Trước đây mình vẫn quan niệm trung tâm hành chính quốc gia tức là đầu não của nhà nước, nhưng theo tôi xu thế hiện nay hành chính ngày càng mang nặng tính chất dịch vụ công, nên cái gọi là trung tâm chính trị và trung tâm hành chính không nhất thiết phải ở một chỗ. Nếu là dịch vụ công thì quan trọng phải có không gian, phương tiện để người dân có thể tiếp cận. Hơn nữa quy hoạch thủ đô mới rộng 3.000 km2 nên ta phải thay đổi dần quan niệm về không gian, phải phân chia các không gian khác nhau. Một là để khai thác lợi thế của không gian ấy. Hai là phân bố một cách hợp lý dân cư và những hoạt động của thủ đô ở các khu vực. Hà Nội cũ nằm trên lòng con sông cổ, nền đất yếu. Trong khi đó nếu muốn xây một thành phố thật hiện đại theo đúng nghĩa, với những công trình ngầm thì chúng ta phải chọn nền đất ổn định. Chọn ở Ba Vì hay nơi nào khác đó là việc của nhà chuyên môn. Quan điểm của tôi là không nền dồn ép về một chỗ. Ba Vì thực ra chỉ là một quả núi. Đối với tư duy của con người thời xưa, địa hình đó gắn liền với quan niệm về tâm linh, sau này ta nâng lên thành phong thủy, liên quan đến việc xác định giá trị của không gian đối với đời sống con người. Cũng có ý kiến này nọ về phong thủy ở Ba Vì, nhưng mỗi người mỗi ý. Tâm linh, phong thủy chưa phải là khoa học thuần túy, khoa học biện chứng, mà chúng ta tôn trọng và cố gắng tìm thấy ở đấy những giá trị mang tính khoa học.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân: "Tại sao lại phải dời lên tận Ba Vì?"
Theo đồ án, trung tâm hành chính đặt ở Ba Vì, trong khi đó trung tâm lập pháp (Quốc hội) lại ở Ba Đình. Tôi không hiểu tại sao lại tách ra như thế và việc đó có lợi gì so với mô hình hiện nay. Khi tiếp cận báo cáo của Chính phủ, câu hỏi đó của tôi chưa được thỏa mãn. Thể chế của chúng ta là có sự phân công, phân nhiệm giữa 3 quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, nhưng có sự phối hợp với nhau. Cũng có người nói hãy nhìn Malaysia khi thiết kế khu hành chính cách xa khu chính trị, nhưng thế giới có trên 100 nước và Malaysia chỉ là thiểu số. Nếu xây ở Ba Vì, người dân chắc chắn sẽ bất tiện khi tiếp cận với trung tâm hành chính. Người ta nói xây dựng Chính phủ điện tử, nhưng không thể không có sự giao tiếp. Phương án an ninh, bảo vệ cũng rất phức tạp vì trên suốt tuyến đường từ trung tâm chính trị đến trung tâm hành chính phải bảo vệ cho các quan chức cấp cao di chuyển. Một số ý kiến cho rằng xây ở Ba Vì để kéo dãn dân cư đô thị, nhưng dân cư và hành chính là hai vấn đề khác nhau. Chỉ những quan chức làm trong cơ quan Chính phủ mới cần ở gần trung tâm hành chính và những người có công việc cụ thể mới đến đấy thôi. Còn thu hút dân chủ yếu do hạ tầng, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Đó là chưa kể việc chuyển trụ sở một số bộ ngành từ Mỹ Đình lên Ba Vì có thể gây lãng phí. Khi mình xây một tòa nhà đâu chỉ sử dụng 20 năm, mà phải 50-70 năm, thậm chí hàng trăm năm, như tòa nhà của Chính phủ, vì đó còn là biểu tượng của quốc gia, là công trình văn hóa, nghệ thuật... Một vấn đề nữa tôi quan tâm là đất đai. Hà Nội mở rộng có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là đất lúa. Vậy việc ứng xử như thế nào? Nói người dân và chính quyền địa phương phải giữ gìn đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng Hà Nội lại làm mất nhiều đất lúa quá. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: "Xu thế tương lai trung tâm hành chính tách khỏi trung tâm chính trị"
Đây là quy hoạch dựa trên tầm nhìn, chứ không phải dựa vào thực tại hay là chữa cháy một thực tại. Đó là quy hoạch hướng về tương lai và nó phải phù hợp với xu thế chung trong tương lai. Xu thế chung trong tương lai của tất cả đô thị trên thế giới là khu biệt trung tâm hành chính và trung tâm chính trị. Hành chính trong tương lai là hành chính dịch vụ công, nhà nước từ chỗ nắm chặt trong tay và quản lý tất cả sẽ chuyển sang dịch vụ là chủ yếu. Vì thế việc tách khu vực hành chính và chính trị không có gì đáng ngạc nhiên. Nếu chúng ta đã ấn nút đồng ý một Hà Nội như bây giờ thì trong 20 năm nữa Hà Nội không thể thu hẹp ở mấy quận như hiện nay được. Ý tưởng của Bộ Xây dựng khi quy hoạch đưa trung tâm hành chính ra xa hơn trung tâm đô thị là phục vụ đúng mục tiêu phát triển Hà Nội về mặt lý thuyết. Có thể hiện nay ta nhìn nó hơi xa, nhưng tương lai với tốc độ tàu điện ngầm thì từ trung tâm Hà Nội hiện nay lên Ba Vì chỉ mất khoảng 30 phút. Cũng có ý kiến là lãng phí khi các bộ ngành đã có đất ở Mỹ Đình, sau năm 2030 lại chuyển lên Ba Vì. Nhưng theo tôi đừng hiểu một bộ thì chỉ khu lại trong bộ. Bộ có thể có nhiều trụ sở, có bộ phận là dịch vụ công, liên hệ trực tiếp với người dân, và có bộ phận là trung tâm tham mưu cho Chính phủ. Ví dụ Hà Nội hiện nay các Sở nằm ở nhiều vị trí. Tóm lại tôi ủng hộ xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, nhưng quan tâm hai ý. Một là tính khả thi, Chính phủ nên có báo cáo trước Quốc hội về khả năng thực hiện dự án sau 20 năm nữa. Hai là phải có lộ trình và người dân phải biết được thông tin về lộ trình. Hiện nay mới nghe chữ quy hoạch mà người dân đã nhao nhao lên về đất. Họ đâu hiểu sau 20 năm nữa mới có cơ hội tiếp cận trung tâm hành chính, lúc đó chính sách đất đai sẽ khác. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: "Hành chính và chính trị không thể tách bạch"
Khu Ba Đình là từ xưa đến nay đã được xác định là trung tâm chính trị - hành chính. Hành chính và chính trị phải gắn kết với nhau, không thể tách bạch. Có người nói áp dụng mô hình của Malaysia hay một số nước, nhưng mình là Việt Nam, không phải là Malaysia. Phải căn cứ vào thực tiễn, truyền thống của nước ta, rồi đặc thù về nhà nước hành chính để có cách riêng của Việt Nam. Còn nói đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì để kéo dãn dân cư đô thì thì không đúng. Việc kéo dãn dân cư có rất nhiều biện pháp, chọn biện pháp nào mang tính đồng thuận cao, phù hợp với đất nước ta, của Việt Nam thì mình chọn. Hồng Khánh thực hiện Các Tin công ty khác :
|